Thế kỷ 4 trước Công nguyên, Hyppocrate đã mô tả rõ một biểu hiện rất đặc trưng của bệnh gút là sưng tấy, nóng, đỏ và rất đau ở ngón chân cái... Mãi tới cuối thế kỷ 18, các nhà khoa học Đức, Mỹ mới phát hiện được các tinh thể urat trong các u cục (tophy) quanh khớp, trong các viên sỏi ở hệ tiết niệu, đồng thời phát hiện được sự khác nhau giữa lượng acid uric ở nước tiểu người bình thường và người bệnh. Sau các phát hiện này là một loạt các nghiên cứu của nhiều nhà khoa học ở nhiều nước.
Bệnh gút (goutte) còn gọi là “thống phong”, là một trong những bệnh đang có xu hướng gia tăng ở nước ta.
Gút là một bệnh của khớp rất đặc biệt có rối loạn chuyển hóa acid uric (một chất có nguồn gốc từ chất đạm) trong cơ thể. Ở người bình thường, quá trình tổng hợp và đào thải acid uric luôn luôn cân bằng, lượng acid này trong máu ở mức không đổi. Bất kỳ nguyên nhân nào làm mất cân bằng hai quá trình này (tăng tổng hợp hoặc giảm thải trừ acid uric) đều làm tăng acid uric trong máu dễ dẫn tới bệnh gút. Bệnh gút gần như là rủi ro riêng của giới mày râu (chiếm tới 95% trường hợp) lứa tuổi trung niên khỏe mạnh, mập mạp. Những người thành đạt, có mức sinh hoạt cao, lối sống hiện đại (căng thẳng, uống rượu nhiều, tiệc tùng ăn quá nhiều chất đạm, béo, ít vận động) có nhiều nguy cơ bị gút tấn công hơn những người khác.
Bệnh thường tiến triển qua hai giai đoạn:
Giai đoạn cấp tính: Đây là nỗi kinh hoàng với người bệnh - thường vào nửa đêm về sáng ngón chân cái bị sưng tấy, nóng, đỏ mọng, đau dữ dội và đột ngột. Cơn sưng, đau kéo dài mấy ngày đến hàng tuần rồi tự nhiên giảm dần và khỏi gần như bình thường. Nhưng sau đó 3-4 tuần, hoặc mấy tháng lại một cơn đau khác xuất hiện cũng dữ dội và bất ngờ như cơn đau trước. Bệnh cũng có thể biểu hiện sưng đau ở một số khớp khác như khớp gối, cổ chân... Nếu xét nghiệm máu sẽ thấy acid uric tăng cao, có khi tới 8-9 thậm chí trên 10mg/100ml máu (bình thường chỉ dưới 7mg/100ml máu). Bệnh tái phát từng đợt với xu hướng ngày càng nhiều đợt viêm hơn, các đợt viêm khớp ngày càng dài ra, càng lâu khỏi hơn, càng có nhiều khớp bị hơn. Giai đoạn cấp tính kéo dài khoảng vài năm rồi chuyển sang mạn tính.
Giai đoạn mạn tính: Bệnh sưng đau nhiều khớp kéo dài, kèm theo nổi nhiều u cục to nhỏ không đều, hơi mềm, không đau ở cạnh khớp hoặc vành tai, đôi khi bị vỡ thoát ra một thứ bột trắng như phấn. Đó là acid uric lắng đọng lại dưới dạng muối urat. Ngoài ra các muối urat còn có thể lắng đọng ở thận gây sỏi thận, lâu dần dễ dẫn tới suy thận
Hiện nay bệnh gút có thể điều trị đạt kết quả cao nhờ có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý và dùng thuốc. Ngay khi thấy xuất hiện triệu chứng nghi mắc bệnh gút cần đi khám bệnh sớm và chữa trị ngay, không để bệnh chuyển sang mạn tính. Mục đích chủ yếu trong điều trị là làm hết những cơn viêm khớp bằng các thuốc chống viêm như colchicin, voltarène nhưng không dùng aspirin, corticoid vì hai loại này nếu dùng lâu dài có thể gây tăng acid uric trong máu. Dùng các thuốc làm giảm nồng độ acid uric trong máu như allopurinol (biệt dược: alinol xanturic, zyloric...) vì thuốc ức chế tổng hợp acid uric. Ngoài ra còn có thể dùng các thuốc tăng thải acid uric qua thận như probenecid, sulfinpyrazon, thuốc làm tan sỏi urat... Việc dùng thuốc phải lâu dài ngay cả khi đã hết viêm khớp. Lượng acid uric máu phải được giảm tới dưới 5mg/100ml máu và duy trì ở mức này bằng thuốc lâu dài, liên tục không ngắt quãng. Để tránh những tác dụng phụ, tai biến do thuốc, người bệnh cần được bác sĩ điều trị theo dõi và chỉ định.
Về ăn uống: Người bệnh gút kiêng tuyệt đối những thực phẩm chứa nhiều purin như phủ tạng gia súc, gia cầm, các loại thịt đỏ (thịt trâu, dê, chó, thịt thú rừng...), tôm, cua biển... vì acid uric là sản phẩm thoái hóa của purin. Hạn chế một phần thịt lợn, bò, gà, vịt... (bảo đảm lượng protein không quá 100g/ngày), hạn chế bia, nấm, rau giền, hoa quả chua. Hằng ngày cần uống nhiều nước, tốt nhất là dùng loại nước khoáng kiềm, ăn nhiều rau xanh, khoai, đậu...
Chế độ sinh hoạt: Cần làm việc điều độ, nhẹ nhàng, tránh mệt mỏi cả về tinh thần và thể chất. Tránh nhiễm lạnh đột ngột. Ngoài ra cũng cần duy trì một chế độ tập luyện, vận động thường xuyên, vừa sức. Thường xuyên nên ngâm chân nước ấm (không dùng nước nóng quá) vào các buổi tối, trừ những lúc viêm cấp.
Bệnh gút có những đặc điểm lâm sàng khá đặc biệt. Người bệnh nếu chú ý có thể tự mình phát hiện sớm, đi khám và điều trị sớm. Đây là loại bệnh điều trị rất có hiệu quả khi kết hợp tốt giữa thuốc kháng viêm giảm đau (chữa triệu chứng) và dùng các thuốc làm giảm acid uric máu một cách đều đặn, liên tục và lâu dài. Đồng thời với thuốc là tuân theo một chế độ ăn phòng bệnh và một chế độ sinh hoạt phù hợp. Những điều đó có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kiểm soát và phòng ngừa bệnh, tránh được các hậu quả xấu ở khớp, ở thận... để duy trì sức khỏe và khả năng làm việc.
BS. Vũ Hướng Văn