Chế độ ăn uống, sinh hoạt đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh gút. Để có được những giải đáp cụ thể, chúng tôi có cuộc phỏng vấn với bác sĩ Trịnh Văn Tuân – GĐ Viện Gút Hà Nội.


PV: Xã hội càng phát triển, nhu cầu về đời sống vật chất của con người ngày càng được nâng cao. Bên cạnh những “mâm cao, cỗ đầy” là những quý ông phương phi tốt tướng … Chính từ những cuộc vui triền miên trên bàn nhậu nhiều người đã phát hiện ra mình bị gút. Vì vậy, theo ông để thực hiện việc “phòng bệnh hơn chữa bệnh”

PV: Bệnh nhân gút và những người đang có triệu chứng mắc căn bệnh này cần có một chế độ ăn, uống và sinh hoạt như thế nào ?
BS Trịnh Văn Tuân: Trong những năm gần đây cùng với sự phát triển của xã hội, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng nâng cao thì một số bệnh lý như tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp và đặc biệt là bệnh gout có xu hướng phát triển nhanh. Ngoài số lượng , tỉ lệ bệnh nhân gút tăng lên thì đối tượng bị gout cũng được “trẻ hóa”, qua thống kê khám và điều trị bệnh gout tại Viện Gút Hà Nội thì số bệnh nhân gout dưới 30 tuổi chiếm 1/3 bệnh nhân tới  khám và điều trị. Một trong những yếu tố làm cho bệnh gout phát triển mạnh đó là chế độ ăn uống vô độ cùng với thói quen lười vận động. Để dự phòng và điều trị bệnh gout thì những bệnh nhân gout và ngay cả  những người có nguy cơ cao bị bệnh gout cần điều chỉnh và thực hiện một chế độ ăn uống và vận động hợp lý.
Chế độ ăn của người bị bệnh gút: Về cơ bản chế độ ăn của người bị bệnh gút là hạn chế lượng Purin đưa vào cơ thể. Tuy nhiên, khi bệnh nhân gút thực hiện chế độ ăn kiêng quá mức sẽ gây thiếu Protein sinh ra các bệnh lý khác nhưng cũng không ăn nhiều quá làm thúc đẩy bệnh gút diễn biến nặng nhanh…. . Ăn ít hoặc không ăn các loại thực phẩm giàu Purin như phủ tạng động vật, thịt có màu  đỏ, thịt thú rừng, hải sản. Ưu tiên ăn các loại cá nước ngọt, thịt lợn, thịt gia cầm với tổng lượng khoảng 100g/24h. Ăn nhiều rau xanh sạch. Với chế độ ăn bình thường cơ thể tạo ra khoảng 300mg muối urat , nhưng với chế độ ăn kiêng chỉ tạo ra khoảng 100mg muối urat.
Chế độ uống cho người bị bệnh gút: Không uống rượu bia. Uống nhiều nước đặc biệt là nước khoáng kiềm. 75-80% lượng muối Urat được đào thải qua đường tiết niệu nên hàng ngày bệnh nhân gút cần uống nhiều nước với tiêu chí đi tiểu nhiều  hơn 2lit/ 24h. Để phòng ngừa và chữa sỏi Urat ở đường tiết niệu ngoài uống nhiều nước để hòa tan muối urat đã lắng đọng cần uống nước khoáng kiềm.  Nước khoáng kiềm làm tằng cường đào thải muối Urat qua đường tiết niệu và giảm lắng đọng hình thành sỏi thận. Ở pH 5.0 nước tiểu bão hòa Acid Uric ở nồng độ 360 -900µmol/l, nhưng ở pH 7.0 độ bão hòa đạt 9480- 12000 µmol/l tức là gấp khoảng 14 lần. Tất cả bệnh nhân gút hay những người có tăng Acid Uric máu cần hiểu và áp dụng việc uống nước khoáng kiềm thường xuyên liên tục cả đời nhằm tăng cường đào thải acid uric khỏi cơ thể cũng như dự phòng và điều trị sỏi urat hệ tiết niệu.
Chế độ sinh hoạt vận động cho người bị bệnh gút:  Nhằm tránh thoái hóa khớp cũng như cứng dính khớp do gút gây nên cần tăng cường vận động nhẹ nhàng. Vận động nhẹ nhàng giúp tăng cường máu lưu thông làm giảm sự lắng đọng muối tại khớp, tổ chức cạnh khớp, làm tan muối đã lắng đọng tại khớp và cục Tophi. Không đi dày chật, không để lạnh chân, không vận động nặng, bất động khớp  khi có viêm cấp… Urat rất dễ bị đóng cặn ở nhiệt  độ dưới 37C. Nếu nhiệt độ là 32C ( nhiệt độ của khớp gối ) urat hòa tan giảm đi 1/3, còn nhiệt độ là 29C thì quá trình hòa tan chỉ còn một nửa. Giới hạn hòa tan của Urat natri khoảng 6.7mg/dl (402µmol/l ) ở nhiệt độ 37C. Như vậy giữ ấm chân tay làm giảm khả  năng lắng đọng muối ở khớp, giảm hình thành cục Tophi.

PV: Theo ông loại thực phẩm nào được coi là “điển hình” trong việc góp phần làm gia tăng các tinh thể muối urat trong khớp ?
Điều kiện để muối Urat lắng đọng kết tủa  là nồng độ Acid Uric trong máu tăng. Với mỗi người cụ thể thì độ bão hòa Acid Uric trong máu  có khác nhau, trung bình với nồng độ 415µmol/l – 420 µmol/l thì bắt đầu có hiện tượng lắng đọng tinh thể muối Urat ở tổ chức cạnh khớp, bao hoạt dịch, sụn khớp, dịch khớp và dưới da…Acid Uric được tạo thành từ quá trình thoái biến Purin, Tất cả các loại thực phẩm giàu Purin đều có thể là nguyên nhân làm gia tăng  nồng độ Acid Uric máu, làm gia tăng bệnh gout. Điển hình là các thực phẩm: Thịt chó, thịt thú rừng, phủ tạng động vật, hải sản, măng, nấm, giá đỗ…

PV: Những tác hại của bia và rượu đối với bệnh nhân gút ?
Với những người thích ăn nhậu và ăn nhậu nhiều, ngoài nguy cơ tăng Acid Uric máu do ăn nhiều thực phẩm thì uống nhiều rượu bia cũng mang đến tác hại khôn lường:
- Uống nhiều rượu bia làm tăng độc với tế bào trong cơ thể làm chết và phân hủy nhiều tế bào đặc biệt là tế bào gan. Tế bào phân hủy càng nhiều thì càng tạo ra nhiều nhân Purin, tạo ra nhiều Acid Uric làm cho nồng độ Acid Uric trong máu tăng lên, làm bệnh gout phát triển.
- Etanol, còn được biết đến như là rượu etylic, ancol etylic, rượu ngũ cốc hay cồn, là một hợp chất hữu cơ. Quá trình chuyển hóa Etanol trong cơ thể tạo ra nhiều sản phẩm độc hại có gốc Acid trong đó có Acid Acetic. Những Acid này sẽ cạnh tranh đào thải với Acid Uric qua thận làm cho thận đào thải Acid Uric kém dẫn tới ứ đọng trong cơ thể làm cho nồng độ Acd Uric trong máu tăng dẫn tới bệnh gout.
- Uống nhiều rượu bia đặc biệt ở những người nghiện rượu bia thì tác hại của rượu bia rất rõ rệt nó gây độc với gan và thận làm chức năng thận yếu đi dẫn tới không đào thải được Acid Uric ra khỏi cơ thể sẽ làm tăng nguy cơ bị bệnh gout.
- Ngoài những tác hại như trên thì bản thân bia có nhiều hợp chất Protein , khi uống vào cơ thể sẽ chuyển hóa và tạo ra một lượng lớn Purin, Acid Uric góp phần làm tăng nồng độ Acid Uric trong máu, làm gia tăng bệnh gout.

PV: Các loại thực phẩm mà bệnh nhân gút cần “tránh xa” là gì ?
Với những bệnh nhân gout và những người đã có tăng Acid Uric trong máu cần có chế độ ăn uống sinh hoạt vận động hợp lý nhằm kiểm soát bệnh gout, kiểm soát biến chứng của gout. Một trong những biện pháp đó là chế độ ăn giảm thịt nói chung. Với những thực phẩm không nên ăn là tất cả các loại thực phẩm giàu Purin như thịt chó, thịt thú rừng, phủ tạng động vật, hải sản, măng, nấm, giá đỗ…
PV: Xin chân thành cảm ơn bác sĩ.