Gút là bệnh viêm khớp do rối loạn chuyển hóa purin gây tăng acid uric máu, lắng đọng các tinh thể Monosodium urat trong các tổ chức sụn, xương , phần mềm ,ổ khớp (gọi là hạt Tophi), ở thận gây sỏi thận, suy thận do sự bão hòa acid uric trong dịch ngoại bào .
Bệnh Gút điều trị không khó nhưng bệnh nhân Gút đừng để bệnh Gút diễn biến nặng, khó mới đi điều trị.
Giai đoạn đầu bệnh đáp ứng rất tốt với thuốc chống viêm đơn thuần (NSAID) và chế độ ăn kiêng hợp lý. Nhưng bệnh sẽ tái phát nhiều lần nếu không được điều trị tốt. Những lần sau sẽ nặng và kéo dài hơn lần trước. Khi chuyển sang mạn tính xuất hiện các hạt Tophi ở quanh khớp, vành tai, gây biến dạng khớp, hạn chế vận động khớp, với những cơn đau liên tục và những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới chức năng sống có thể xảy ra như sỏi thận, viêm thận kẽ, suy thận ...
Tăng acid uric máu là nguyên nhân gây bệnh gout và là nguyên nhân gây nên những hệ lụy nguy hiểm nếu không được điều trị tốt.
Nồng độ Acid Uric máu càng cao càng kéo dài thì tần suất xuất hiện cơn đau Gút cấp càng nhiều và các U cục càng nhanh xuất hiện, thậm chí có những cục Tophi to vỡ ra gây nhiễm trùng rất nguy hiểm. Nồng độ Acid Uric cao kéo dài gây nguy hiểm hơn cả là lắng đọng ở thận gây sỏi thận, suy thận.
Qua thực tiễn thăm khám hàng nghìn bệnh nhân Gút chúng tôi nhận thấy hầu hết bệnh nhân Gút điều trị dở dang, chấp hành điều trị không tốt. Họ chỉ quan tâm tới điều trị những cơn Gút cấp. Khi bị những cơn đau kinh hoàng họ rất lo lắng nhưng khi hết viêm, hết đau thì lầm tưởng là đã khỏi và không quan tâm tới bệnh Gút nữa. Bên cạnh đó thì bệnh nhân Gút lại không được hướng dẫn điều trị phòng chống tái phát, phòng chống biến chứng dẫn đến bệnh nhân Gút chủ quan cứ lầm tưởng chỉ cần điều trị cơn Gút cấp và ăn kiêng là đủ mà không kiểm soát được Acid Uric trong máu. Hậu quả là bệnh Gút cứ âm thầm tiến triển, sau một vài năm các U cục Tophi phát triển gây mất chức năng vận động khớp, tàn phế, cục Tophi loét vỡ gây nhiễm trùng không liền được vết loét. Đặc biệt là chức năng thận kém đi, sỏi thận hình thành và thậm chí là suy thận.
Khi có triệu chứng đau khớp mà nghĩ tới bệnh Gút:
Cần đi khám ngay để có chẩn đoán chắc chắn bị bệnh Gút, mức độ bệnh, các biến chứng đã có, các bệnh kết hợp.
Xác định điều trị Gút là điều trị lâu dài. Không tự ý ngưng thuốc điều trị. Điều trị tốt các biến chứng và các bệnh kết hợp.
Kiểm soát tốt nồng độ Acid Uric máu, duy trì nồng độ Acid Uric máu ở ngưỡng an toàn < 370µmol/L.
Tăng cường chức năng thận để đào thải muối Acid Uric ra ngoài.
Ăn kiêng tương đối vừa đảm bảo đủ chất dinh dưỡng mà không làm tăng vượt ngưỡng kiểm soát Acid Uric máu.
Kiêng rượu, bia. Tăng cường uống nước khoáng kiềm đảm bảo đi tiểu >2lít/24 nhằm tăng cường đào thải muối Urat, hòa tan cặn Urat làm sạch màng lọc cầu thận, ống thận giữ cho thận luôn khỏe mạnh.
Vận động thể dục thể thao hợp lý nhằm tăng cường lưu thông máu nuôi dưỡng đảm bảo khớp hoạt động tốt, phòng tránh lắng đọng muối tạo các u cục Tophi, làm cứng dính khớp mất chức năng vận động.
BS: Trịnh Văn Tuân